Uẩn khúc ‘nhà mẹ con có thể ở nhưng phải trả tiền thuê’

Tôi U50, anh chị em tôi mấy chục năm qua sống trong căng thẳng, ‘không dám mắc sai lầm’ vì biết bố mẹ sẽ không giúp đỡ.

Bài viết “Nhà mẹ con có thể ở nhưng phải trả tiền thuê” khiến tôi băn khoăn nên muốn chia sẻ góc nhìn của mình. Tất cả những điều viết trong bài ấy đều rất đúng và hiện đại. Nếu cuộc sống thuận buồm xuôi gió, mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái được xác định như vậy là điều tốt.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý mình. Nhất là khi tác giả còn trẻ, con còn nhỏ, nên lời nói không thuyết phục. Tôi là một sản phẩm của cách giáo dục như thế.

Bây giờ tôi đã vào độ tuổi U50, kết quả của cách giáo dục đó ra sao, tôi xin chia sẻ như sau:

– Điểm tốt: Tôi và anh chị luôn độc lập, thành công, tự mua nhà cửa, tự chăm được con cái của mình. Anh chị em hoà thuận, không nhòm ngó tài sản của bố mẹ, hàng tháng biếu tiền bố mẹ, nếu gửi cháu (không thường xuyên) thì gửi tiền trông cho ông bà đầy đủ.

Bố mẹ tôi hiện tại khoẻ mạnh. Nếu sau này già yếu, vào viện, bố mẹ thống nhất các con thuê người chăm sóc cho bố mẹ, chỉ cần đến thăm.

– Điểm trừ: Bố mẹ tôi không có ý thức tiết kiệm, kiếm bao nhiêu tiền là tiêu hết vì xác định không cho con cái tài sản. Ngoài nhà cửa, bố mẹ không có tiền tiết kiệm. Bố mẹ hoàn toàn sống theo ý mình, trong đó có những thói cổ hủ như bừa bãi, tích trữ đồ, ăn thực phẩm không sạch, mê tín dị đoan.

Bố mẹ tôi không dám làm phiền con cái. Có lần mẹ tôi đi viện, tự mình làm thủ tục nhập viện, xong xuôi mới báo con cái vì không muốn phiền con. Chị tôi mắc bệnh phải mổ nhưng trì hoãn vì lo không ai đón con đi học mà không dám nhờ ông bà. Ngược lại, anh chị tôi có người rất bảo thủ, áp đặt, quát mắng con họ rất quá đáng, ông bà biết con sai nhưng không thể can thiệp để giúp cháu.

Có thể thấy là, khi bố mẹ độc lập rạch ròi, thì con cái cũng vậy. Không phải lúc nào tiền cũng giải quyết được.

Nhiều người tuyên bố không chăm cháu nhưng sẽ hỗ trợ tiền để con cái thuê người chăm con. Tôi lại thấy khi người con đã thụ hưởng nền giáo dục này, sẽ không bao giờ nhận tiền của bố mẹ, và sẽ không bao giờ nhờ bố mẹ giúp cái gì.

 

Điều quan trọng nhất tôi muốn nói là, tất cả anh chị em tôi đều có chung một tuổi thơ với tổn thương lớn đó là cảm giác không được bố mẹ đẻ yêu thương. Chúng tôi đều được giáo dục là phải tự lập, đến nỗi không dám mắc sai lầm, vì biết rằng sai là “chết”, sẽ không ai đỡ mình.

Tất cả anh chị khi lấy vợ, lấy chồng đều ra khỏi nhà, bàn học, giường, quần áo đều phải dọn đi hết. Nghĩa là nếu về chơi sẽ không được ngủ lại, hay thất cơ lỡ vận, ly hôn sẽ không có cửa về nhà.

 

Mọi lựa chọn, chọn bạn đời, chọn nghề đều phải thật an toàn, dù đó có thể không phải đam mê hay tình yêu thực sự vì sợ rủi ro, sợ bạn đời không chịu nổi sự “vô cảm” của nhà mình. Có những lúc anh chị em tôi thất bại, vấp ngã đến trầm cảm, cũng không hé răng chia sẻ với bố mẹ một lời vì biết đằng nào bố mẹ cũng không giúp.

Bây giờ, khi chúng tôi trưởng thành, đã hiểu bố mẹ có yêu thương mình, chỉ là thể hiện theo cách khác mà thôi. Chúng tôi biết ơn và kính yêu bố mẹ, nhưng mỗi người đều đã phải dành rất nhiều năm để chữa lành đứa trẻ bên trong, và những năm tháng đó không thể lấy lại được.

Nhiều người hay so sánh Tây với ta, tôi sống ở phương Tây hơn chục năm rồi, tôi thấy thế này: Ở đây người ta vẫn thương yêu và chiều con cái, vẫn nuôi đến tận hết đại học, trừ khi nghèo quá.

Người già bên Tây khá khoẻ, lái xe tốt, nhà thường to và rộng, cuối tuần hay nghỉ hè vẫn đón cháu về chăm nhiều ngày để con cái đi chơi. Thậm chí họ cũng chăm con cái lúc sinh nở, chăm cháu non yếu nhiều tháng trước khi gửi nhà trẻ. Nhà cha mẹ thừa phòng cũng vẫn cho con ở nhờ. Con cái ly hôn họ càng giúp đỡ nhiều hơn.

Khi già yếu hẳn thì họ bán nhà, chia cho con, giữ lại một ít để vào viện dưỡng lão thêm vài năm rồi mất trong trại là vừa đẹp. Như vậy, không phải là họ không chăm cháu, không cho con tài sản hay đợi chết mới cho, hay yêu cầu con trả tiền thuê nhà đâu.

Đặc biệt, người trẻ bên Tây được mua nhà trả góp nhiều năm, lãi suất thấp nên bố mẹ không phải hỗ trợ. Điều này không thể áp dụng ở ta khi mà việc mua nhà là quá khó nếu không được cha mẹ hỗ trợ. Nhất là xã hội hiện nay, cạnh tranh công việc, nhà ở ngày càng khắc nghiệt.

 

 

 

Là một người thành công, cực kỳ độc lập và tôn trọng bố mẹ đẻ, đang sống ở trời Tây nhưng tôi lại không áp dụng cách giáo dục đó cho các con mình. Tôi không muốn con mình phải mang nỗi nghi ngờ “bố mẹ đẻ không yêu thương mình” hay nỗi sợ “mắc sai lầm là không ai đỡ”, như tôi.

Tôi yêu chiều con, luôn khẳng định, chỉ cần tôi còn sống, còn khoẻ mạnh, tôi sẽ ở bên con khi con cần, sẽ nâng đỡ con khi vấp ngã để con yên tâm theo đuổi ước mơ (nếu có).

Hiện con tôi 15 tuổi, vẫn còn nhỏ để khẳng định cháu sẽ làm được chuyện to tát. Nhưng tôi thấy dù chiều con, cháu vẫn ngoan và hiếu thuận, không coi sự yêu thương của mẹ là đương nhiên. Nếu cháu khoẻ mạnh tôi tin cháu sẽ thành người tử tế. Nếu điều không may xảy ra, cháu mắc bệnh hiểm nghèo hay bị hại thì chẳng phải mọi nguyên tắc mà tác giả bài viết kia đưa ra đều chả áp dụng được gì. Đúng không?

 

Tôi nghĩ là, tác giả bài viết kia và những bạn đồng suy nghĩ nên tập trung để con mình có một tuổi thơ đẹp thay vì nâng cao quan điểm, tính toán xa xôi, Tây hóa. Kể cả khi con cái trưởng thành rồi, tuỳ khả năng, tính cách của con mà mình tiếp tục giáo dục một cách phù hợp. Tuổi thơ của con đã qua rồi thì không thể lấy lại được. Không phải lúc nào mình muốn “cho” con, con cũng “nhận”. Một khi sự độc lập, rạch ròi được xác lập thì bạn muốn “cho” cũng không có người “nhận”.

Tôi muốn kết bài bằng một câu nói mình tâm đắc: “Đứa trẻ hạnh phúc dành tuổi thơ để ôm ấp cả phần đời còn lại, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”.