Thả gà đặc sản dưới tán đồi rừng, tránh được dịch bệnh, lão nông Hà Nội “bỏ túi” chục triệu đồng mỗi tháng

Từ những gò đồi đất bỏ hoang, khô cằn, sau được nhà nước giao khoán, ông Hiệp cũng như nhiều hộ khác đã chuyển đổi thành trang trại nông, lâm kết hợp trù phú.
Thả gà đặc sản dưới tán đồi rừng, tránh được dịch bệnh, lão nông Hà Nội "bỏ túi" chục triệu đồng mỗi tháng- Ảnh 1.

Ông Dương Văn Hiệp đang cho gà ăn. Ảnh: Hải Tiến

Lên thăm trang trại sản xuất giống gà mía thuần chủng của ông Dương Văn Hiệp ở xã Sơn Đà, Ba Vì (Hà Nội), chúng tôi thấy các loại gà ở đây đều được chăn thả dưới tán rừng, cách xa khu dân cư, rất ít bị dịch hại gây thất thoát lớn trên đàn gà.

Biến đất trống đồi trọc thành trang trại nông, lâm kết hợp trù phù

Tuy nhiên theo ông Hiệp, nuôi gà 22 năm liên tục, cũng một lần vào năm 2003, ông phải tiêu huỷ gần 2.000 con gà mái đẻ, tổn thất trên 75 triệu đồng. Nguyên nhân, do virus H5N1 lần đầu tiên xuất hiện gây dịch cúm gia cầm khắp nước ta.

Đồng thời do mới chăn nuôi, chưa có kinh nghiệm phòng ngừa dịch bệnh cho gà. Trong đó đáng nhớ nhất là, khi đang có dịch, ông Hiệp không cấm người lạ ra vào trang trại và vẫn mua thịt gà tươi sống ngoài thị trường về chế biến ăn trong trang trại.

Được biết, số tiền 75 triệu đồng ngày ấy so với bây giờ là rất lớn, gần bằng 10 cây vàng hiện nay. Sau lần thua lỗ nói trên, ông Hiệp bị mất toàn bộ số vốn chăn nuôi, còn nợ thêm tiền cám công nghiệp và thuốc thú y.

Ông Hiệp nghĩ tưởng sẽ phải bỏ nghề nuôi gà, nhưng được chính quyền và ngành chuyên môn địa phương động viên, hỗ trợ một phần thiệt hại do dịch, ông Hiệp đánh liều vay mượn thêm tiền và vệ sinh, tiêu độc triệt để chuồng trại và đầu tư chăn nuôi trở lại. Không ngờ ông Hiệp thắng đậm ngay khi cả nước công bố hết dịch. Chỉ với 3.000 gà trống, mái cho đẻ và ấp nở con giống, sau 2 năm ông Hiệp đã cắt được lỗ và có lãi kể từ đó đến nay.

Chỉ tay vào khu vực đang chăn thả gà, ông Hiệp kể, gò đồi này rộng gần 1ha, trước năm 1998 vẫn còn bỏ hoang, sau được nhà nước giao khoán cho gia đình ông theo chương trình mục tiêu quốc gia 327, để phủ xanh đất trống đồi trọc. Ông Hiệp đã cải tạo, cho trồng các cây lâm nghiệp, khi đồi cây chưa cho thu hoạch, ông phải đi làm thợ xây để tăng thu nhập và lấy vốn đầu tư chăm bón đồi rừng.

Nhưng vì xa nhà, kiếm được đồng nào ăn tiêu hết đồng ấy, mỗi lần về thăm gia đình, nhìn vợ con sống cảnh giật gấu vá vai, nheo nhóc, ông Hiệp đã không cam lòng, quyết định nghỉ làm thợ xây, lên đồi lập trại nuôi gà dưới tán cây. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông Hiệp đã từng bước khởi sắc, khá giả như hiện tại.

Thả gà đặc sản dưới tán đồi rừng, tránh được dịch bệnh, lão nông Hà Nội "bỏ túi" chục triệu đồng mỗi tháng- Ảnh 2.

Ông Hiệp xếp trứng lên khay giàn để đưa vào máy ấp nở gia cầm. Ảnh: Hải Tiến.

Nói về lý do chọn nuôi nhân giống con gà Mía, ông Hiệp cho biết, miền Bắc nước ta có nhiều giống gà cho phát triển chăn nuôi, như gà Hồ, gà lai Đông tảo, gà Bắc Giang, gà ri Lạc Thuỷ, nhưng ông chỉ chọn nuôi gà mía thuần chủng, vì đây là giống có nguồn gốc bản địa (Hà Nội), đã thích hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất và tiêu dùng của người dân trong khu vực, nên chăn nuôi mau lớn, ít dịch bệnh, dễ tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Mặt khác, gà mía thuần chủng, có chân cao vừa phải, đi lại nhanh nhẹn, cho tự giao phối tỷ lệ trứng có tinh vẫn đạt cao, đặc biệt là dễ chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, giúp giảm vốn đầu tư.

Theo ông Hiệp, để nuôi gà Mía sinh sản đạt hiệu quả cao, cần lựa chọn giống tốt (đúng giống, độ thuần chủng đạt cao,…) và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học (VietGAHP). Ngoài ra còn phải chọn vị trí chăn nuôi thích hợp (cao ráo, sáng sủa, không ẩm ướt, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông), đặc biệt phải điều chỉnh được sản lượng xuất chuồng tập trung nhiều vào các thời điểm thị trường cần nhu cầu cao về nguồn giống chăn nuôi.

“Vào các tháng 2; 3; 6; 7; 8 hàng năm, nhu cầu về con giống cho nuôi gà thương phẩm của nhà nông thường cao hơn đáng kể so các tháng còn lại. Theo đó nuôi sản xuất giống gà con ấp nở vào các tháng này cũng được lãi cao hơn”, ông Hiệp tiết lộ.

Giàu lên nhờ nuôi gà đặc sản

Theo ông Hiệp để có được giống gà mía bố mẹ thuần chủng, cần những con trống có ngoại hình, lông màu mận chín bóng mượt và phủ kín toàn thân, lông cổ màu đỏ đậm, lông cánh xanh biếc ép sát thân, lông đuôi dài, đầu to, mỏ ngắn, mắt sáng, ngực nở, mào đỏ tươi thẳng đứng, tích tai to màu đỏ, cẳng chân cao vừa phải, ngón chân thẳng, da chân màu vàng nhạt và bóng.

Với gà mái, chọn các con lông chưa phủ kín thân, mới có lông cánh, lông đầu và lông cổ màu nâu xám dạng lá chuối khô bóng mượt ép sát vào thân, chân cũng cao vừa phải, da chân bóng màu vàng nhạt, mỏ ngắn, mắt sáng, mào nhô cao màu đỏ tươi, da bụng mềm, lỗ huyệt rộng. Trong quá trình chăn nuôi phải tiếp tục theo dõi để loại bỏ kịp thời những con gà lông xơ, mào rụt, da bụng cứng, thân hình gầy yếu, lỗ huyệt khô, đẻ ít, hay ấp bóng và có biểu hiện thay lông.

Để nuôi gà mía thương phẩm với con giống 1 ngày tuổi, nên chọn những con có bộ lông bông xốp màu trắng đục, da thịt hồng, mỏ hồng và thẳng, da chân bóng, mắt to sáng, rốn kín, chân mập, đi lại nhanh nhẹn.

Thả gà đặc sản dưới tán đồi rừng, tránh được dịch bệnh, lão nông Hà Nội "bỏ túi" chục triệu đồng mỗi tháng- Ảnh 3.

Máy ấp nở trứng gia cầm tự động trong trang trại gà của ông Hiệp. Ảnh: Hải Tiến.

Bằng những cách làm nêu trên, năm nào ông Hiệp cũng chăn nuôi 6.000 con gà đẻ (hơn 5.000 con mái, gần 1.000 gà trống), bình quân mỗi tháng xuất bán ra thị trường trên, dưới 9.000 con giống gà mía lai 1 ngày tuổi, doanh thu 90 – 130 triệu đồng, lợi nhuận đạt 9 – 13 triệu đồng (tuỳ theo tháng).

Khảo sát thực tiễn tại địa phương thấy, địa hình xã Sơn Đà có nhiều gò đồi, thời tiết, khí hậu ở đây mát mẻ hơn so với các xã ở đồng bằng sông Hồng, lực lượng lao động của xã khá dồi dào, không có làng nghề tiểu thủ công nghiệp, địa bàn xã có tỉnh lộ 413 chạy qua, rất thích hợp cho chăn nuôi gà và lưu thông sản phẩm đầu ra. Khai thác tốt những tiềm năng lợi thế này, từ nhiều năm nay, nông dân xã Sơn Đà luôn ưu tiên dành các gò đồi cho phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng nông, lâm kết hợp, mang lại hiệu quả sản xuất rất cao. Mô hình nuôi nhân giống các loại gà Mía của ông Hiệp (nêu trên) được coi là minh chứng.

“Tổng đàn gia súc, gia cầm nuôi hàng năm trong toàn xã ước đạt trên 300.000 con (tuỳ thời điểm). Trong đó đàn lợn khoảng 20.000 con, trâu bò gần 1.000 con, còn lại là gia cầm các loại, chủ yếu chăn nuôi gà. Theo đó, từ nhiều năm nay, chăn nuôi đã là lĩnh vực sản xuất chính và là nguồn thu nhập chính của các hộ dân trên địa bàn, chiếm tới 80% tổng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp của cả xã “, theo ông Nguyễn Văn Việt, Cán bộ Thú y xã Sơn Đà.