Sống khổ cực tới già dù có 300 m2 đất

Đến 40 tuổi, đồng nghiệp của tôi mới lấy được vợ, có mấy căn nhà và chung cư cho thuê nhờ bán mảnh đất sau khi ông bố qua đời.

“Tôi thấy bạn tác giả ý kiến đúng, tôi đã chứng kiến một anh bạn đồng nghiệp có người bố sở hữu 300 m2 đất ở trung tâm thành phố giá khoảng 50 tỷ đồng, nhưng lại không bán đi một phần mà cứ để gia đình sống trong căn nhà cấp bốn.

Và người bố đã phải sống khổ sở tới khi qua đời, còn người con thì không lấy được vợ dù đã gần 40 tuổi.

Đến khi bố mất người con trai đã bán mảnh đất đó và mua một căn nhà vừa phải để sống. Số tiền còn lại một phần gửi tiết kiệm, còn lại một phần dùng để kinh doanh, phần lớn thì anh ấy mua thêm mấy căn nhà và chung cư để cho thuê.

Sau đó anh ấy cưới vợ và sinh được một cháu gái. Cuộc sống anh ấy hiện giờ rất hạnh phúc.

Nếu như người bố đừng suy nghĩ không được bán thì đã không phải sống khổ cực tới già. Tiền bạc có giá trị nhất lúc cần thiết, con cái đã lớn, đã có gia đình, cần tiền xây dựng nhà cửa và lo cho con cái.

Không phải ai cũng có khả năng kiếm ra nhiều tiền, còn tùy vào mỗi người nữa. Vì vậy khi con cái khó khăn, bố mẹ có nhiều tài sản thì hãy cho con lúc con cần nhất, đừng để con cái sống trong khổ cực và oán trách bố mẹ. Vì tài sản cũng chỉ để dành lại cho con cháu sau này chứ cũng không mang đi được”.

Độc giả Hà Anh Tuấn kể câu chuyện trên sau bài viết Cả nhà khổ vì cha ôm đất chờ lên giá 5 tỷ đồng.

Cùng quan điểm, độc giả có nickname LQL cho rằng việc tác giả lo lắng cũng là bình thường và dễ hiểu:

“Cha mẹ tác giả đã già, điều kiện sống lại thấp, một khi đổ bệnh thì tiền đâu mà xoay sở. Lúc cần thiết thì bán đổ bán tháo cũng phải bán chứ làm sao, lúc đó đừng mong có giá 4 – 5 tỷ đồng.

Đất đai là tài sản, tích càng nhiều càng tốt là đúng, nhưng tài sản thì cũng phải tiêu lúc cần thiết chứ không phải bo bo mà giữ. Cha tác giả điển hình cho kiểu ám ảnh với đất đai chứ không phải kiểu để dành của nải”.

Bạn đọc có nickname kevindu0179 kể thêm một trường hợp gia đình sống khổ dù có đất:

“Cách đây nhiều năm cha mẹ tôi và nhà bác tôi đều nghèo, chỉ có một thứ duy nhất đáng giá là đất (mặc dù đất lúc đó rẻ hơn bây giờ rất nhiều). Bác tôi chọn để cho các anh chị nghỉ học từ sớm để đi làm công nhân, trong khi cha mẹ tôi cắt một phần đất ra bán để chị em tôi học đại học.

Sau khi ra trường và đi làm vài năm, cha mẹ lại cắt thêm một phần đất ra bán để chị em tôi có vốn khởi nghiệp, và có cuộc sống khá thoải mái như bây giờ.

Còn anh chị nhà bác có người đi làm công nhân, có người thì làm nông, cuộc sống khá chật vật. Chẳng lẽ đợi đến khi bác mất, các anh chị ấy cũng 60-70 tuổi, bán đất chia ra cho mỗi người được một vài tỷ thì các anh chị ấy có thể đi học đại học hay khởi nghiệp được nữa không?

Con cái sẽ không trách cha mẹ vì cha mẹ không có gì cho con, nhưng sẽ rất buồn nếu cha mẹ ôm khư khư một hũ vàng mà để cho con cái và chính bản thân cha mẹ đều khổ”.

Độc giả vinhdinhvp gợi ý thêm một góc nhìn trong câu chuyện trên:

“Khá nhiều ý kiến chỉ trích tác giả như sao cứ nhăm nhăm vào tài sản của cha. Tuy nhiên mọi người nhìn chỉ một phía thôi, vì tác giả cũng đã nói đời người có bao nhiêu năm đâu, nên muốn cha bán để hưởng thụ tuổi già và đồng thời giúp các con việc đó đâu sai.

Đồng ý là tài sản của cha, nhưng nếu tài sản đó góp phần làm tốt cuộc sống cho mà anh em tác giả có ý kiến thì mới là không tốt, đằng này bán đi cuộc sống đại gia đình sẽ ổn hơn.

Tôi nghĩ mọi người nên nhìn ở khía cạnh: Làm gì để cuộc sống trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn thì mới đúng.

Nhiều gia đình tranh giành nhau vì tài sản, con cái hỗn láo với cha mẹ đó mới là họa. Còn nhà tác giả, tôi nghĩ rất có học đấy chứ, người mẹ của tác giả cũng cần hưởng thụ, vậy người cha nên bán.

Còn mọi người cứ nói sao không ra ngoài kiếm tiền các kiểu thì mình cũng xin thưa không phải ai cũng may mắn, gặp thời… ra ngoài làm cẩn thận lại đổ nợ về báo nợ cha mẹ”.