Sáu nguyên tắc chia thừa kế giúp tôi ‘dẹp loạn’ con cái

Sáu nguyên tắc chia thừa kế giúp tôi ‘dẹp loạn’ con cái

Chưa chết chưa sang tên tài sản, con nào cũng phải có phần, cảnh giác với dâu rể… tôi rõ ràng và cứng rắn ngay từ đầu với các con.

Sáu nguyên tắc chia thừa kế giúp tôi 'dẹp loạn' con cái

Mâu thuẫn gia đình vì đất đai đang ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê trên cả nước, từ năm 2017 đến 2018, tòa án thụ lý khoảng 15.000 vụ tranh chấp đất đai ở cấp sơ thẩm. Đến năm 2020-2021, con số này lên tới 537.000 vụ. Đây đang trở thành hiện tượng điển hình ở Việt Nam khi nhiều gia đình vẫn chưa có thói quen để lại di chúc, dẫn tới mâu thuẫn giữa con cái.

Việc phân chia di sản theo pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật, như phân chia đều nhau, theo thứ tự hàng thừa kế, phân chia cho những những người nằm trong diện thừa kế. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết pháp luật, nên tình trạng tranh chấp đất đai, tài sản thừa kế ở nước ta vẫn ngày một gia tăng.

Làm thế nào để giảm bớt những tranh chấp không đáng có khi phân chia tài sản thừa kế? Từ kinh nghiệm của bản thân khi giải quyết các vụ tranh chấp đất đai thừa kế, tôi luôn tuân theo sáu nguyên tắc sau:

Thứ nhất, cha mẹ không bao giờ được sang tên hết nhà đất của mình cho con cái. Vì khi cha mẹ chuyển giao tài sản cho con xong sẽ trở thành tay trắng. Lúc đó nếu ốm đau, bệnh tật, không thể tự lo cho mình, các con sẽ đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ cho nhau. Thế nên, kiểu gì tôi cũng phải để lại một số tài sản nhất định để phòng thân. Tương lai không ai nói trước điều gì cả nên mỗi người cần tự lo liệu.

Thứ hai, trước khi mất tôi mới làm di chúc cụ thể để phân chia tài sản cho các con, đảm bảo đứa nào cũng có phần (dù ít dù nhiều, gọi là lộc của cha mẹ để lại). Tôi có thể cho con trưởng hoặc đứa chăm sóc mình trực tiếp phần nhiều hơn, nhưng không phải là cắt hết của những đứa khác. Bởi đã là con cái thì đứa nào cũng đều phải có phần.

Nếu mảnh đất tôi để lại quá nhỏ, không cắt ra được để chia thì tôi sẽ yêu cầu đứa con nhận được đất chia lại một khoản tiền mặt cho anh, chị, em (những người không được sử dụng đất) để đảm bảo hài hòa lợi ích chung.

Thứ ba, tôi sẽ xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các con với nhau ngay từ khi chúng còn nhỏ, không phân biệt nam hay nữ. Đây là cách để con cái biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, trân trọng tình cảm gia đình, không vì tiền bạc thừa kế mà đấu đá, xâu xé, giành giật lẫn nhau.

Thứ tư, đối với con dâu, dù yêu thương như con cái trong nhà, nhưng tôi cũng cần hiểu rõ tính nết của từng đứa để có hướng xử lý cho phù hợp. Vì dù không phải tất cả, nhưng trong thực tế có nhiều người con dâu thủ đoạn còn dắt mũi cả chồng để chống lại bố mẹ chồng.

Thứ năm, khi ký các giấy tờ thừa kế, tôi phải xem xét thật kỹ từng điều khoản, tránh bị cài cắm, lừa dối. Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp con cái bảo bố mẹ ký cho giấy tờ này kia để vay vốn ngân hàng, cho cháu đi học. Nhưng cuối cùng mới ngã ngửa ra là chúng gài bố mẹ ký hợp đồng cho tặng hay mua bán nhà đất thừa kế. Thế là họ mất nhà, bị đá ra đường lúc nào không biết.

Cuối cùng, tôi không bao giờ đồng ý bán nhà để trả nợ cho con và cũng không cho chúng sống chung với mình vì bất cứ lý do gì. Nếu cha mẹ có quan điểm cứng rắn ngay từ đầu thì các con sẽ biết tự lo làm ăn, không có tư tưởng bòn rút của cha mẹ hay tranh giành tài sản thừa kế sau này.