Nghệ An: Lão nông bỏ ruộng xuống nước, kiếm trăm triệu/năm nuôi con ăn học

Nghe nói có chủ trương nuôi cá lồng bè hồ thuỷ điện, ông Lô Văn Liên đã lập tức đăng ký và cuộc sống thay đổi từ đó.
Ý chí thoát nghèo của lão nông

Ông Lô Văn Liên (58 tuổi) sinh ra và lớn lên tại xã Xá Lượng, huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Gia đình đông con, lại ít ruộng, kinh tế phụ thuộc vào nương rẫy nên trước đây cuộc sống nghèo khổ đeo bám. Không được học hành đầy đủ, ông luôn khát khao kiếm tiền để con đi học chữ, thay đổi số phận.

Đến năm 2018, UBND huyện Tương Dương có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè hồ thủy điện. Người dân vốn quen việc đánh bắt cá để ăn hàng ngày, chứ chưa có ai thực hiện mô hình nuôi cá. Nắm bắt cơ hội, vợ chồng ông Liên đăng ký 9 lồng cá bằng sắt, mỗi lồng ông được địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng.

“Sống trên bờ khổ quá nên phải xuống nước thử xem sao. Hơn nữa, chính quyền còn hứa sẽ hỗ trợ và cử cán bộ giúp đỡ về kỹ thuật. Vậy nên tôi là một trong những người đầu tiên xin xuống hồ”, ông Liên nói.

Dân sinh - Lão nông bỏ ruộng xuống nước, kiếm trăm triệu/năm nuôi con ăn học

 Gia đình ông Liên có 9 lồng cá, thu nhập hơn trăm triệu mỗi năm.

Lồng mang về, ông Liên kết lại xung quanh nhà nổi, mua các loại cá giống như: cá leo, cá trắm, cá lăng, cá ghé… thả mỗi lồng 100 con. Hàng ngày, trên con thuyền gỗ, hai vợ chồng ông lại lên rừng kiếm cỏ về nuôi cá. Theo ông Liên, việc nuôi cá không tốn kém bởi thức ăn cho cá chủ yếu là rau, cỏ nên cũng dễ kiếm.

Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu, gia đình ông cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm. Có thời điểm đàn cá bị dịch bệnh và chết rất nhiều. Sau này, hai ông bà mày mò đi các nơi học hỏi kinh nghiệm, cùng với việc hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp huyện để giúp cá khoẻ hơn nên tình trạng cá chết giảm hẳn.

“Sau 6-7 tháng nuôi, con cá có trọng lượng từ 3-4kg. Nhưng gia đình lại không biết bán ở đâu nên đã vào thị trấn Hoà Bình, huyện Tương Dương để đi chào hàng ở khách sạn, cửa hàng thực phẩm”, lão nông này nói. Về sau, nhờ chất lượng cá lồng tươi ngon, thịt dai, thơm nên các thương lái tự tìm đến tận nơi để mua. Ngoài ra, nhiều đoàn khách tham quan, du lịch đến đây mua cá cũng được vợ chồng ông bắt rồi chế biến trực tiếp cho khách.

Dân sinh - Lão nông bỏ ruộng xuống nước, kiếm trăm triệu/năm nuôi con ăn học (Hình 2).

 Sau khi xuống nước, cuộc sống gia đình ông Liên đã no đủ hơn trước.

Theo ông Liên, các loại cá trắm, cá leo có mức giá 100.000 đồng/kg; cá lăng, cá ghé có giá 200.000 đồng/kg. Với 9 lồng cá, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn trăm triệu đồng. Hiện, vợ chồng ông Liên đã dựng được ngôi nhà gỗ trên khu lồng bè khá chắc chắn. Trong nhà, bàn ghế, giường, tủ, tivi… đều có đủ.

Ông Liên cho biết thêm, nước hồ thủy điện rất sạch, nhiều loài sinh vật phù du nên cá phát triển giống như sống ngoài tự nhiên. Nhờ nuôi cá lồng bè 6 năm nay mà gia đình ông thoát được cái đói, cái nghèo.

Hỗ trợ đầu ra cho người dân

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, địa phương có gần 7.000ha mặt nước lòng hồ, đặc biệt có 2 thủy điện lớn là Bản Vẽ và Khe Bố. Đây là một trong những lợi thế để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đến nay toàn huyện Tương Dương có hơn 500 lồng cá các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Na, Hữu Khuông và Lượng Minh. Bình quân cho thu nhập mỗi lồng từ 25-30 triệu đồng/năm.

“Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, giúp họ tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo. Với những loại cá đã cho thu hoạch như: cá trắm, cá ghé, cá mương… Từ đó, tạo sinh kế, góp phần nâng thu nhập cho bà con, nhiều hộ dân trên địa bàn nhờ nuôi cá đã thoát nghèo bền vững”, ông Hiến nói.

Dân sinh - Lão nông bỏ ruộng xuống nước, kiếm trăm triệu/năm nuôi con ăn học (Hình 3).
Mỗi năm huyện Tương Dương cùng công ty thuỷ điện đều tổ chức thả cá nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ.

Tuy nhiên, nuôi cá lồng còn gặp khó khăn do đầu ra chưa ổn định. Hầu hết người dân chưa có công ty, doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm, mà chỉ bán rẻ tại các chợ, nhà hàng nhỏ trên địa bàn huyện Tương Dương và một số huyện lân cận.

Vì vậy, huyện Tương Dương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp giống thủy sản nước ngọt, cung cấp thức ăn và tiêu thụ sản phẩm như: hỗ trợ thuế sử dụng đất, cấp giấy phép hoạt động, tư vấn và kiểm tra kịp thời trong quá trình hoạt động của các đơn vị…

Đại diện huyện Tương Dương cũng cho biết thêm, đơn vị đang xây dựng Đề án phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã tiếp tục tăng cường phát triển mô hình này. Vừa nuôi cá lồng, vừa chế biến sâu để đưa sản phẩm ra thị trường.