Chàng trai Thanh Hóa xuất khẩu thành công món ngon làm từ một loài động vật trôi lập lờ bờ biển

Nhờ tận dụng lợi thế của địa phương, anh Lê Phạm Thao (35 tuổi, ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã biến những con sứa biển thành sản phẩm OCOP 3 sao và xuất khẩu sứa biển sang nhiều nước.

Mỗi năm, từ con sứa biển anh Lê Phạm Thao thu về cả trăm triệu đồng và tạo nhiều việc làm thời vụ cho lao động địa phương.

Biến sứa biển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng sơ chế sứa Thao Linh của gia đình ở thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, anh Lê Phạm Thao cho biết, người dân ở xã Hoằng Trường chủ yếu sống nhờ vào biển.

 

Ngoài đánh bắt hải sản thì người dân trong xã có thêm nghề thu mua và chế biến sứa biển, nhờ đó bà con cũng có thêm việc làm và thu nhập khá ổn định.

Theo anh Thao, nghề thu mua và chế biến sứa biển ở xã Hoằng Trường cũng mới có hơn 20 năm nay. Trước kia sứa biển rất nhiều nhưng mọi người chưa biết đến giá trị của con sứa, ngư dân đi biển mang sứa về ăn không hết thì đem vứt.

Từ khi con sứa có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sản, sứa đánh bắt về bao nhiêu cũng được thu mua hết.

Thậm chí, đến mùa khai thác, bà con phải ra tận vùng biển Cô Tô của Quảng Ninh và các vùng biển khác để đánh bắt mới có sứa.

Chàng trai Thanh Hóa xuất khẩu thành công món ngon làm từ một loài động vật trôi lập lờ bờ biển- Ảnh 2.

Công nhân đang sơ chế sứa tại xưởng của gia đình anh Lê Phạm Thao. Ảnh: H.D

Do sứa đỏ ngày càng khan hiếm nên ít khi ngư dân đánh bắt được. Đặc sản sứa đỏ có giá tới vài chục triệu đồng/thùng nên mỗi khi người dân nơi đây đánh bắt được, họ đều để dành để chế biến thành các món ngon. Trong đó có món canh sứa nấu lá chua được khách hàng đặc biệt ưa chuộng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thao – chủ cơ sở thu mua sứa Thao Linh cho biết: Gia đình anh làm nghề chế biến và thu mua sứa hàng chục năm nay. Sau khi thu gom sứa từ các bè mảng của bà con ngư dân đánh bắt ở biển về, cơ sở tiến hành sơ chế sứa, tách từng phần chân, tay và mình sứa, sau đó dùng hệ thống máy đánh sạch nhớt từ 8 – 9 tiếng đồng hồ. Tiếp đó là thực hiện công đoạn muối sứa, hàng ngày tăng lượng muối dần lên, từ 5 ngày trở lên là sứa có thể xuất bán được.

“Khâu quan trọng nhất trong việc sơ chế sứa là kiểm soát độ mặn, dao động từ 20 – 25 độ là đạt yêu cầu” – anh Thao nói.

 

Sau khoảng từ 5 – 10 ngày ngâm trong bể nước muối, khi các miếng sứa trở nên trong vắt chính là sứa đã “chín”. Lúc này, sứa sẽ được mang ra đóng thùng để chuẩn bị xuất xưởng.

Cũng theo anh Thao, quá trình ngâm muối, công nhân phải thường xuyên đo độ mặn, rắc thêm muối để sứa sạch hơn, cứng hơn và trắng hơn. Khi chất lượng sứa đạt yêu cầu mới mang ra cho vào túi nylon, đóng gói rồi cho vào thùng gỗ, mỗi thùng 10kg.

“Đặc biệt, quá trình chế biến sứa tươi không cần dùng bất cứ nguyên liệu nào ngoài nước sạch và muối biển. Chính độ mặn của muối sẽ giữ cho sứa thành phẩm bảo quản được lâu từ 1 – 2 năm” – anh Lê Phạm Thao cho biết thêm.

Sứa biển sau khi chế biến có thể ăn cùng bún, phở, bánh đa cua hoặc trộn với một số nguyên liệu khác làm món nộm. Trước đây, sản phẩm được tiêu thụ nhiều tại Thanh Hóa, còn hiện nay có thương lái Trung Quốc đến tận xưởng thu mua.

Với sự nỗ lực, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, anh Lê Phạm Thao đã xây dựng thành công sứa thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh của Thanh Hóa, biến sứa từ một món ăn dân dã trở thành đặc sản quê hương, có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Chàng trai Thanh Hóa xuất khẩu thành công món ngon làm từ một loài động vật trôi lập lờ bờ biển- Ảnh 4.

Sứa sau khi sơ chế được đưa vào muối chín. Ảnh: H.D

 

Hiện cơ sở chế biến và thu mua sứa Thao Linh của gia đình anh Thao thu mua từ 500 – 600 tấn sứa tươi mỗi năm, từ đó sản xuất được 50 – 60 tấn sứa thành phẩm. Hàng năm gia đình anh Thao bán sứa ra thị trường đạt doanh thu từ 1 – 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất, cơ sở thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Tạo việc làm cho hàng chục lao động

Theo anh Lê Phạm Thao, hiện sứa thành phẩm của gia đình anh đang bán với giá 300.000 đồng/thùng, loại 10kg đối với mình sứa. Còn sản phẩm sứa chân, tay là những phần ngon nhất, được bán với giá từ 350.000 đồng/thùng loại 10kg.

Sứa thành phẩm có thể chế biến thành nhiều món ngon như nộm sứa, lẩu sứa, canh chua… Đặc biệt, nộm sứa là món ăn vùng biển vô cùng hấp dẫn, thanh mát, mang lại hàm lượng chất dinh dưỡng cao cho cơ thể nên được nhiều người ưa chuộng.

Chàng trai Thanh Hóa xuất khẩu thành công món ngon làm từ một loài động vật trôi lập lờ bờ biển- Ảnh 6.

Anh Lê Phạm Thao – chủ cơ sở chế biến thu mua sứa Thao Linh. Ảnh: H.D

Cũng theo anh Thao, nghề chế biến sứa biển không vất vả nhưng tốn nhiều thời gian và công đoạn. Để tạo ra sản phẩm sứa biển, sau khi đánh bắt, những người thợ phải lọc, phân loại phần thân và chân sứa. Tiếp đến là công đoạn sơ chế, ngâm, đánh bớt nhớt.

 

Ngoài thu nhập cao, nghề chế biến sứa biển còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Theo anh Thao, hiện tại xưởng chế biến của anh đang thuê 15 lao động thường xuyên với mức lương khoảng 400 đồng/người/ngày.

Chị Nguyễn Thị Nga – một nhân công tại xưởng sứa cho biết: “Chúng tôi làm việc cho cơ sở chế biến sứa Thao Linh theo thời vụ, kéo dài khoảng 3 tháng. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định, trung bình từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Lúc có sứa nhiều làm tăng ca thì tiền lương cùng nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Thanh Cảnh – Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) cho biết, chế biến sứa đang là một trong những ngành nghề chế biến thủy, hải sản đem lại hiệu quả kinh tế ở xã, với 4 cơ sở thu mua và chế biến sứa. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

“Cơ sở chế biến sứa của gia đình anh Lê Phạm Thao có quy mô sản xuất lớn, đã được công nhận là sản phẩm OCOP ở địa phương. Tuy hoạt động chế biến chỉ kéo dài trong vòng vài tháng nhưng lợi nhuận từ sứa biển đem lại khá tốt” – ông Cảnh cho biết thêm.

Không chỉ chăm lo làm kinh tế gia đình, anh Lê Phạm Thao còn tạo điều kiện, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều thanh niên trong xã có nhu cầu học hỏi, tham quan cơ sở chế biến của mình.