Ở Yên Bái, trên hồ nước nhân tạo rộng thứ 4 của Việt Nam, dân một huyện bắt bán hơn 8.500 tấn cá/năm

Thời gian qua, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đã tích cực mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản.

Ở Yên Bái, trên hồ nước nhân tạo rộng thứ 4 của Việt Nam, dân một huyện bắt bán hơn 8.500 tấn cá/năm- Ảnh 1.

Hệ thống nuôi cá lồng của HTX thủy sản Hoàng Kim trên hồ Thác Bà tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

 

Chuẩn bị vào vụ cá ngạnh, anh Lê Văn Thư ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên phải lặn lội khắp các eo, ngách trên lòng hồ Thác Bà để bắt cá giống.

Phát hiện ổ cá giống, anh Thư phải đằm mình xuống làn nước lạnh, nhẹ nhàng, khéo léo lùa đàn cá vào lưới. Cá ngạnh là loại cá da trơn, việc nuôi cấy cá giống còn khó khăn nên người dân buộc phải đi săn, bắt ngày từ đầu năm – mùa cá ngạnh đẻ trứng.

 

Anh Thư chia sẻ: “Cá ngạnh là loại cá khó nuôi nhưng chất lượng thịt, nguồn dinh dưỡng khá cao. Đến vụ thu hoạch, cá có giá thành cao, hàng bán chạy nên người dân vùng hồ đều cố gắng nuôi.

Nguồn cá giống tôi săn bắt và mua gom của người đi câu, người chài lưới sẽ được nuôi tại lồng cá của gia đình, tổ hợp tác hoặc bán cho các hộ chăn nuôi ở các địa phương lân cận”.

 

Hiện, gia đình anh Thư đang cùng tổ hợp tác chăn nuôi gần 100 lồng gồm cá trắm, ngạnh, lăng, rô phi… Mỗi năm xuất bán trên 20 tấn cá tại các thị trường chủ yếu ở Hà Nội, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ cho anh nguồn thu trên 1 tỷ đồng.

Anh Thư chia sẻ thêm: “Với nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi cá trên hồ lại được chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn, trang thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ trong xã phát triển và sống được bằng nghề nuôi cá trên hồ Thác Bà”.

 

Ở Yên Bái, trên hồ nước nhân tạo rộng thứ 4 của Việt Nam, dân một huyện bắt bán hơn 8.500 tấn cá/năm- Ảnh 2.

 

Lãnh đạo huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) tham quan mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Thác Bà của người dân xã Phúc An.

 

Phát huy lợi thế có 500 ha mặt nước hồ Thác Bà, thời gian qua, xã Vĩnh Kiên đã triển khai nhiều biện pháp phát triển nghề nuôi cá tại địa phương.

Xã đã vận dụng nguồn vốn hỗ trợ và các chính sách của trung ương, tỉnh, huyện giúp người dân có thêm kiến thức chăn nuôi, nguồn vốn mở rộng sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Toàn xã hiện có trên 160 lồng cá nuôi trên hồ Thác Bà, sản lượng hàng năm đạt từ 370 tấn. Nuôi cá lồng đã trở thành nghề thế mạnh, phát huy lợi thế nguồn nước, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.

Tại thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng, mô hình nuôi cá của bà Nguyễn Thị Thanh là điểm thu mua thường xuyên của các lái buôn từ thị trấn Yên Bình và thành phố Yên Bái.

Với lợi thế gần thị trường, gia đình bà Thanh nuôi 10 lồng cá và nuôi cá trên 6 ha eo ngách của hồ Thác Bà, chủ yếu là cá lăng, ngạnh, rô phi, trắm.

Bà Thanh chia sẻ: “Để lúc nào cũng có cá bán cho khách hàng, gia đình tôi áp dụng chăn nuôi gối vụ. Nguồn thức ăn cho cá luôn được bảo đảm chất lượng vì gia đình đã đầu tư máy trộn thức ăn từ các loại tôm, tép, ngô, khoai, sắn. Mỗi năm gia đình bán khoảng 3 tấn cá, trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng”.

 

Theo ông Lương Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng, 25 hộ chăn nuôi thủy sản ở xã đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nguồn vốn, chính sách của các cấp. Các hộ đều tích học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm chỉ phát triển chăn nuôi thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập gia đình.

Toàn xã hiện có 149 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 63 ha ao đầm, 86 ha eo ngách hồ Thác Bà và 78 lồng nuôi cá. Sản lượng đánh bắt thủy sản năm 2023 đạt 462 tấn.

Ở Yên Bái, trên hồ nước nhân tạo rộng thứ 4 của Việt Nam, dân một huyện bắt bán hơn 8.500 tấn cá/năm- Ảnh 3.

 

Mô hình chăn nuôi cá lồng, nuôi cá eo ngách trên hồ thủy điện Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Phát huy lợi thế trên 19.000 ha mặt nước hồ Thác Bà, thời gian qua, huyện Yên Bình tập trung chỉ đạo phát triển thủy sản, tích cực mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn.

 

Đến nay, toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã (HTX), 6 tổ hợp tác và trên 300 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi cá quây lưới với khoảng 2.000 lồng nuôi cá trên diện tích 230 ha mặt nước. Các loại cá chủ yếu được nuôi là lăng, diêu hồng, rô phi, ngạnh, cá bò, cá mè… Tổng sản lượng thủy sản toàn huyện hàng năm đạt 8.500 tấn.

 

Huyện đã có 3 doanh nghiệp thường xuyên nuôi cá và sản xuất các sản phẩm thủy sản quy mô lớn. HTX thủy sản Hoàng Kim là đơn vị có số lượng cá lồng lớn nhất trên địa bàn với 300 lồng, mỗi năm cho thu khoảng 700 tấn cá.

Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà liên kết với HTX Thủy sản Hoàng Kim duy trì nuôi cá lăng, tầm, diêu hồng trong môi trường nước sạch, áp dụng các quy trình nuôi an toàn, quản lý chặt chẽ để sản xuất các sản phẩm sạch từ cá như: xúc xích cá, chả cá, giò cá, xúc xích cá, ruốc cá… trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện.

Công ty cổ phần Nghiên cứu và ứng dụng dịch vụ khoa học T&T có quy mô trên 100 lồng nuôi cá các loại, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các sản phẩm cá của Công ty đã được tiêu thu rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, được đưa vào hệ thống siêu thị như: Vinmart, Aeon hay Lotte ở Hà Nội.

Yên Bình dự kiến đến năm 2025, diện tích nuôi trồng, khai thác khoảng 800 ha; phát triển ổn định 2.500 lồng cá; sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt trên 9.200 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 8.000 tấn; sản lượng khai thác tự nhiên đạt 1.200 tấn, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 1,8-2 %/năm; cơ cấu thủy sản chiếm từ 19 – 20% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục khai thác tối đa diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp từng địa bàn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

 

Cùng với đó, huyện sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 70% sản lượng thủy sản; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng mới cơ sở chế biến thủy sản để tăng cường liên kết vùng nguyên liệu với thu mua, chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu gắn với du lịch sinh thái trên hồ Thác Bà; khuyến khích nuôi trồng một số sản phẩm đặc thù, đặc sản có lợi thế của địa phương, phát triển và bảo tồn các loài cá đặc sản của địa phương.

 

Bà Đào Thị Thanh Hiền – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết, Phòng sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện quan tâm chỉ đạo việc áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh công nghiệp thủy đặc sản, thủy sản bản địa có giá trị kinh tế cao trên hồ Thác Bà; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư hạ tầng áp dụng công nghệ nuôi cá nước lạnh tại các xã, thị trấn có điều kiện phù hợp.

Đồng thời khuyến khích phát triển loại hình ươm giống, nuôi kinh doanh, cung cấp dịch vụ cá cảnh phục vụ thị hiếu người tiêu dùng; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định của pháp luật và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm…

Cùng với đó, huyện Yên Bình sẽ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng công trình đầu mối phục vụ ương giống, nuôi thủy sản để đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thâm canh, thâm canh cao nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích phát triển sản xuất thức ăn thủy sản phù hợp từng đối tượng nuôi, hình thức, điều kiện theo hướng giảm phụ thuộc vào bột cá.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phát triển, mở rộng các tổ hợp tác, HTX, tổ đồng quản lý, các mô hình liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân theo hình thức hợp tác gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tiếp tục thực hiện quy hoạch phân vùng sản xuất thủy sản, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ ruộng trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở các địa phương.’