Cấm đỗ xe ô tô trước cửa nhà mặt phố “phép vua vẫn thua lệ làng?”

Bạn bỏ ra trăm tỷ đồng mua nhà mặt phố, nhưng đó là tiền trả cho người bán, chứ bạn không trả một xu nào cho vỉa hè, lòng đường.

Đọc bài viết “Bất lực tìm chỗ đỗ xe vì nhà mặt tiền coi lòng đường là của riêng” cùng nhiều bình luận của độc giả, tôi nhận thấy nhiều người đang ngộ nhận về quyền lực của nhà mặt phố. Có người cho rằng phần vỉa hè và lòng đường phía trước nhà mặt phố là khoảng không gian không ai được quyền xâm phạm, như thế nó nghiễm nhiên thuộc về quyền sở hữu của chủ nhà.

Nhà mặt đất ở các thành phố lớn thường có hai dạng: mặt phố và trong ngõ. Trong đó, nhà mặt phố “bỗng dưng” được hưởng lợi ích gia tăng thêm từ vị trí của nó: sát với vỉa hè và lòng đường giao thông, có thể buôn bán, đi lại thuận tiện hơn nhiều so với nhà trong ngõ. Đó cũng là lý do khiến giá nhà mặt phố thường cao hơn rất nhiều lần, dù diện tích nhỏ hơn nhà trong ngõ, ngách.

Nhưng phải nhớ một điều rằng, để có được công năng bán hàng đó, người có nhà mặt phố không hề trả một xu nào cho nhà nước để mua thêm diện tích sử dụng của vỉa hè, lòng đường và khoảng không gian trước mặt nhà họ. Họ chỉ “bỗng dưng” được hưởng lợi.

Quy định về quản lý lòng đường, vỉa hè đã thể hiện rõ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Đường phố gồm lòng đường và hè phố; lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng trong mục đích giao thông (Khoản 1, Điều 36). Trường hợp đặc biệt có thể sử dụng vào mục đích khác, do chính quyền địa phương cấp phép nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Các hành vi buôn bán, kinh doanh trên hè phố bị cấm nên những nhà ở vị trí mặt tiền cũng phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ.

 

Bây giờ, tôi giả định như sau: nhà tôi cũng ở mặt phố, nhưng tôi không buôn bán, kinh doanh. Thay vào đó, tôi vác bàn ghế ra vỉa hè, thậm chí bê xuống luôn cả phần lòng đường trước nhà để ngồi uống trà đá có được không? Nếu các bạn nói không thì nó có khác gì khi bạn tự cho mình quyền cấm người khác đậu xe trước cửa nhà mình? Vì dù tôi có trưng dụng khoảng không gian đó để làm gì đi nữa thì cũng vẫn là chiếm lấy quyền sở hữu khoảng đất đó. Nếu nói tôi không được phép kê bàn ghế ra vỉa hè, lòng đường thì chẳng có lý gì bạn được phép ngăn cản người khác đỗ ôtô phía trước mặt nhà mình cả.

Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đưa ra sáu trường hợp được phép sử dụng vỉa hè. Cụ thể: sử dụng vỉa hè cho hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ; hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; phục vụ thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; Buôn bán hàng hóa; hoạt động xã hội; để xe tự quản trước nhà… Tùy từng trường hợp sẽ có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của vỉa hè ưu tiên nhất vẫn là dành cho người đi bộ.

Trên đời này mọi thứ đều có giá của nó cả. Bạn có bỏ ra trăm tỷ đồng ra để mua nhà mặt phố, nhưng số tiền đó bạn trả cho người bán nhà, chứ bạn không trả một xu nào cho việc sử dụng vỉa hè, cho lòng đường cả. Vậy thì bạn chẳng có bất cứ quyền hợp pháp nào mà đòi chiếm hữu nó cả.

Như tôi đã và đang thuê nhiều mặt bằng kinh doanh ở mặt phố. Một trong số đó ở phố Tuệ Tĩnh – nơi lòng đường được dùng làm bãi đỗ xe có thu phí. Tôi đã mua trước hai suất phía trước cửa hàng của mình với giá 6 triệu đồng một tháng để người ta không cho bất cứ ôtô nào đỗ vào đó và biến cửa hàng của mình thành nơi thoáng đãng nhất. Tất nhiên, vì lẽ đó mà tôi mới có quyền cấm người khác đỗ xe trước cửa nhà một cách chính đáng. Còn nếu bạn không làm vậy mà cũng đòi xua đuổi người khác đến đỗ xe, thì chính bạn mới là người sai luật.